Bệnh héo xanh do vi khuẩn là loại bệnh đặc trưng của các cây trồng họ cà như cà chua, khoai tây, ớt,… và họ bầu bí như bầu, bí đao, bí ngô, mướp, khổ qua, dưa leo,… Bệnh héo xanh là loại bệnh hại nghiêm trọng vì bệnh gây hại âm thầm và lây lan nhanh chóng, khi cây bị bệnh có thể khiến nông dân mất trắng cả vụ mùa. Bài viết này sẽ giúp bà con nông dân hiểu rõ về bệnh héo xanh trên cây họ cà, họ bầu bí và các biện pháp phòng trừ hiệu quả.

NGUYÊN NHÂN CỦA BỆNH HÉO XANH
Tác nhân gây bệnh: Bệnh héo xanh do vi khuẩn Pseudomonas solanacearum gây ra (tên gọi khác: vi khuẩn Ralstonia solanacearum). Vi khuẩn xâm nhập và phát triển trong mạch dẫn, tạo nên các đám nhầy chứa đầy dịch khuẩn làm cho mạch cây bị nghẽn, khiến cho cây không thể vận chuyển nước và chất dinh dưỡng dẫn đến tình trạng cây héo xanh đột ngột và chết.
Điều kiện phát sinh bệnh:
+ Vi khuẩn phát triển mạnh nhất ở môi trường trung tính (pH 7-7.2), nhiệt độ lý tưởng là 25-370C, nhiệt độ gây chết 520C. Môi trường ẩm ướt, mưa nhiều, đất trồng thoát nước kém hoặc thường xuyên tưới nước quá ẩm ướt là điều kiện thuận lợi của vi khuẩn phát sinh và lây lan nhanh. Bệnh thường gây hại nặng trên đất cát pha, đất thịt nhẹ.
+ Vi khuẩn tồn tại trong đất đã từng nhiễm bệnh, trong tàn dư của cây trồng, cỏ dại, đặc biệt có nhiều trong phân chuồng tươi chưa ủ
+ Vi khuẩn lan truyền qua cây giống, gió, nhờ nước, côn trùng và công cụ chăm sóc, bấm ngọn, tỉa chồi…
TRIỆU CHỨNG BIỂU HIỆN CỦA BỆNH HÉO XANH
- Bệnh héo xanh thường gây hại ở giai đoạn cây con trong vườn ươm hoặc giai đoạn ra nụ – hoa đến hình thành quả non – quả già thu hoạch.
- Triệu chứng chung của hầu hết các cây trồng khi bị nhiễm bệnh héo xanh vi khuẩn: cây héo đột ngột nhưng lá vẫn xanh.


- Khi bị vi khuẩn xâm nhiễm, cây xuất hiện triệu chứng héo rủ ở một hoặc vài cành, sau 2-5 ngày toàn bộ cây héo rũ dù lá vẫn xanh.
- Khi bệnh còn nhẹ, hiện tượng héo xanh ở cây xảy ra vào ban ngày, cây có thể xanh tươi trở lại vào ban đêm và đầu sáng sớm. Bệnh diễn biến nhanh và trở nặng sau vài ngày, cây không hồi phục và chết hẳn.
- Quan sát rễ cây và thân cây phần trong bị sũng nước thối mềm. Khi cắt ngang thân cây, mạch dẫn có màu nâu đen, ngâm đoạn thân vào nước sẽ thấy chất nhầy chứa dịch khuẩn.

CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ BỆNH HÉO XANH
Biện pháp canh tác:
– Sử dụng các giống có khả năng kháng bệnh héo xanh sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh.
– Luân canh với các cây trồng không phải là vật chủ của vi khuẩn Ralstonia solanacearum như bắp, lúa, cải bắp… giúp phá vỡ vòng đời của vi khuẩn, giảm mật độ của chúng trong đất.
– Thu gom và tiêu hủy tàn dư cây nhiễm bệnh của vụ trước, làm sạch cỏ dại, vệ sinh dụng cụ làm vườn.
– Cày bừa đất kỹ trước khi trồng vụ mới, nên kết hợp với bón thêm vôi bột để xử lí đất.
– Bón phân cân đối, sử dụng phân hữu cơ hoai mục kết hợp với nấm Trichoderma để bón cho cây.
– Thường xuyên thăm vườn để phát hiện và kịp thời loại bỏ cây bị bệnh để tránh lây nhiễm sang các cây khác.
Biện pháp hóa học:
Hiện nay bệnh héo xanh là một bệnh phổ biến và không có biện pháp đặc trị giúp cây hoàn toàn khỏe trở lại như ban đầu. Do đó, bà con cần phát hiện bệnh sớm và phun thuốc trừ bệnh để ngăn chặn vết bệnh lây lan như thuốc trừ bệnh LIMOUSINE 3WP. Với hoạt chất mới nhất Zhongshengmyci, thuốc có khả năng lưu dẫn cực mạnh, thấm sâu nhanh, hiệu quả cao trong việc phòng trừ các bệnh do vi khuẩn kể cả vi khuẩn kháng thuốc, ngăn chặn lây lan vết bệnh và giúp bảo vệ cây trồng sau nhiều ngày xử lý thuốc, đảm bảo an toàn cho cây trồng. Bà con sử dụng LIMOUSINE 3WP với liều lượng 12gr cho bình 25 lít nước hoặc 100gr cho phuy 200 lít nước, phun khi bệnh vừa mới xuất hiện, tỷ lệ bệnh thấp khoảng 5%.Công ty TNHH Hóa Sinh Mekong kính chúc quý bà con có một vụ mùa bội thu!