NGUYÊN NHÂN VÀ BIỆN PHÁP QUẢN LÝ BỆNH CHẾT HÉO CÂY CON TRÊN HỌ CÂY DƯA BẦU BÍ
Chăm sóc cây con là giai đoạn quan trọng đầu tiên trong canh tác cây trồng để mang đến một vụ mùa bội thu. Những cây con thường có sức đề kháng yếu, do đó chúng dễ bị nấm bệnh tấn công gây ra nhiều loại bệnh dẫn đến chết cây. Hiện nay, bệnh chết héo cây con xuất hiện với các loại cây trồng khác nhau, trong đó đặc biệt phổ biến ở những cây rau màu ở họ dưa bầu bí.
1. ĐẶC ĐIỂM CỦA BỆNH CHẾT HÉO CÂY CON:
Bệnh chết héo cây con hay còn gọi là bệnh lở cổ rễ là hiện tượng cây trồng sau khi nảy mầm bị thối gốc, héo rũ và khô chết. Bệnh thường dễ xảy ra ở một số loại cây trồng như dưa hấu, dưa leo, mướp, bầu, bí, cà chua, ớt,…
Hình ảnh bệnh chết héo cây con trên cây dưa leo
2. NGUYÊN NHÂN CỦA BỆNH CHẾT CÂY CON:
Tác nhân gây bệnh: Bệnh chết héo cây con thường do nấm Rhizoctonia solani gây ra là chính. Nấm xâm nhập vào rễ hoặc cổ rễ cây con, gây thối rễ, làm cho cây không hấp thụ được nước và dinh dưỡng, dẫn đến héo và chết.
Điều kiện phát sinh bệnh:
– Điều kiện môi trường: Mầm bệnh thường phát triển trong điều kiện ẩm ướt, ánh sáng thấp, nhiệt độ từ 25-300C, lượng muối cao, đất trồng quá nhiều hoặc cây trồng quá sâu và thường xảy ra nhiều trên đất cát hơn đất thịt.
– Hạt giống, giá thể chứa mầm bệnh và chưa được xử lý trước khi gieo trồng, do đó khi gặp điều kiện môi trường thuận lợi, mầm bệnh sẽ phát sinh và gây hại.
– Cây bị nhiễm bệnh có thể lây nhiễm cho các cây con khi đưa chúng vào cùng khay.
– Nấm bệnh xâm nhập qua vết thương do côn trùng cắn hoặc từ nguồn nước tưới làm cây bị nhiễm bệnh.
– Đất trồng không được xử lý còn tồn tại bào tử nấm hoặc do tàn dư của cây trồng mang bệnh để lại, vùng đất thấp trũng và ẩm.
– Các vật dụng trong canh tác nếu không được vệ sinh sạch sẽ sẽ trở thành nơi trú ẩn của nấm bệnh.
3. TRIỆU CHỨNG BỆNH CHẾT HÉO CÂY CON:
Bệnh có thể tấn công cây ở mọi giai đoạn sinh trưởng, nhưng thường gây hại nặng nề ở giai đoạn cây vừa mới mọc hoặc mới trồng.
Khi nhiễm bệnh, ban đầu cây sẽ xuất hiện những đốm đen trên cổ rễ do nấm tiết ra các enzyme phân hủy tế bào thực vật, gây ra những tổn thương nhỏ ban đầu. Khi bệnh tiến triển, vùng bị nhiễm bệnh lan rộng, gây ra hiện tượng thắt lại và teo tóp phần gốc thân. Bệnh lây lan làm cho rễ mất khả năng hấp thụ nước và dinh dưỡng, dẫn đến rễ chuyển màu vàng và bị thối, tuy nhiên lá vẫn có thể quang hợp và duy trì màu xanh trong một thời gian ngắn nhờ vào chất dinh dưỡng dự trữ trong thân cây, sau đó cây cũng khô héo và chết do cạn kiệt chất dinh dưỡng.
Hình ảnh các triệu chứng của bệnh héo chết cây con
4. BIỆN PHÁP QUẢN LÝ BỆNH CHẾT HÉO CÂY CON:
Bệnh chết héo cây con lây lan rất nhanh, có thể nhiễm bệnh cả vườn trong thời gian ngắn. Do đó, bà con nông dân nên có biện pháp phòng trừ kịp thời để tránh ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất vụ mùa.
Biện pháp canh tác:
– Lựa chọn các loại giống cây trồng khỏe mạnh, không có mầm bệnh.
– Luân canh với các loại cây khác họ để giảm mật độ của nấm bệnh trong đất.
– Chọn đất trồng cao ráo, thoát nước tốt để làm vườn ươm.
– Tưới nước vừa đủ, đặc biệt không tưới nước từ mương lục bình vì nguy cơ mang mầm bệnh cao.
– Làm đất kỹ để đất được tơi xốp để tăng khả năng thoát nước và thông thoáng.
– Bón phân cân đối, đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây giúp tăng sức đề kháng.
– Không dùng rơm rạ lúa bị bệnh đốm vằn tủ liếp trồng vì chúng chứa rất nhiều bào tử nấm gây bệnh. Bà con nên đốt rơm rạ trước khi trồng dưa để tiêu diệt mầm bệnh và ngăn cản sự phát tán bệnh.
– Thường xuyên thăm vườn để phát hiện bệnh sớm và loại bỏ những cây bị bệnh để tránh bệnh lây lan cho những cây trồng khỏe mạnh.
– Bón lót hoặc đóng bầu bằng phân chuồng đã được ủ với nấm đối kháng Trichoderma để đất được tơi xốp, thoát nước.
Biện pháp hóa học:
Khi cần thiết, có thể sử dụng thuốc trừ nấm để phòng trừ bệnh. Bà con có thể sử dụng thuốc trừ bệnh Bavacol 500WP của Công ty TNHH Hóa Sinh Mekong để phòng trị bệnh chết héo cây con hiệu quả. Sản phẩm là sự kết hợp độc đáo giữa 2 hoạt chất trừ bệnh là Propineb và Metalaxyl-M với khả năng ức chế hình thành: tế bào, tơ nấm, bào tử nấm,… Bà con sử dụng 40gr cho bình 25 lýt nước và nên phun khi bệnh mới xuất hiện, tỷ lệ bệnh khoảng 5% để đạt hiệu quả trong việc phòng trừ bệnh chết cây con.
Công ty TNHH Hóa Sinh Mekong kính chúc quý bà con có một vụ mùa bội thu!